Đầu tiên, bạn phải có hứng thú đối với lập trình, bởi bạn sẽ luôn luôn có xu hướng làm theo những gì mình yêu thích. Nếu bạn làm việc mà không có đam mê, không có kiên trì thì bạn sẽ rất khó theo đuổi công việc về sau. Lâu dài, bạn sẽ khó cảm thấy sự hài lòng trong công việc và cuộc sống.
Học lập trình là cả một quá trình, bạn không nên đi tắt. Hãy bắt đầu từ những gì cơ bản nhất trước tiên, hãy học để hiểu bản chất vấn đề trước đã. Khi nào học xong căn bản hẵng bắt đầu học các kiến thức nâng cao. Nhưng sự thật là bạn phải nắm chắc cái căn bản thì mới dễ dàng phát triển và tiếp cận các công nghệ mới hơn được, nếu không, bạn sẽ rất dễ mắc phải những lỗi sai cơ bản, thậm chí lặp đi lặp lại nhiều lần cùng một lỗi đó. Một nền móng tốt sẽ giúp bạn bước đi thuận lợi hơn trên đường dài sau này.
Nghề nào cũng vậy, hãy tìm cho mình một người thầy, một mentor tốt và giàu kinh nghiệm. Đó sẽ là người giúp bạn định hướng tư duy, chỉ bảo cho bạn biết những gì bạn đã có để tiếp tục nỗ lực phát huy, cũng chỉ rõ cho bạn những gì còn thiếu để khắc phục cải thiện. Người đó không chỉ giúp bạn tiến bộ nhanh hơn mà còn giúp bạn đưa ra những lời khuyên có ích trên con đường phát triển sự nghiệp sau này. Bởi vì, hơn ai hết họ hiểu rõ ngành nghề, hiểu rõ người mới, bởi nhiều năm trước đây họ cũng từng là người bắt đầu giống như bạn vậy.
Tiếp sau đó là hãy nâng cao tinh thần học và tự học. Tự học có thể được coi là kỹ năng mấu chốt để đánh giá khả năng phát triển lâu dài của người làm nghề IT. Bởi công nghệ thông tin biến động theo từng ngày nên bất kỳ lập trình viên nào cũng phải update kiến thức và kỹ năng liên tục. Nếu bạn giậm chân tại chỗ, tức là bạn đã tự đẩy mình lùi về phía sau so với người khác và tự tước đi cơ hội của mình rồi. Trong giai đoạn mới bắt đầu, bạn hãy cứ chấp nhận rằng mọi kiến thức mình học được là đúng, sau đó mới tiến hành đặt các câu hỏi “Tại sao”, khi nào bạn trả lời được các câu hỏi ấy rồi hẵng nghĩ đến chuyện phản biện.” Việc luôn giữ trí tò mò về ngành nghề sẽ giúp cho kiến thức và kỹ năng của lập trình viên luôn được update.
Khác với nhiều lĩnh vực khác, khi học lập trình, bạn nên coi việc học là nghĩa vụ phải làm, để nghiêm túc với nó, và để thôi thúc mình tuân theo nguyên tắc. Khi gò mình vào khuôn khổ, có thể ban đầu bạn sẽ cảm thấy khó khăn, nhưng một khi quen dần, bạn sẽ thấy dễ dàng hơn nhiều. Hãy bắt đầu bằng những mục tiêu đơn giản hằng ngày như mỗi ngày làm ít nhất một bài tập về code chẳng hạn.
Dù là học lập trình hay học bất cứ môn nào đi chăng nữa, đã học là phải đi đôi với hành. Lập trình không chỉ cần tư duy và thông minh, mà quan trọng là phải bắt tay vào làm. Cứ kiên trì và chăm chỉ thì chắc chắn sẽ thành công. Đừng giữ khư khư kiến thức và kỹ năng của bạn ở mãi trong đầu, nếu không viết, không code, thời gian trôi đi nó cũng sẽ biến mất theo. Thực tế thì code là vô tận không giới hạn, nếu muốn vươn cao vươn xa được trong ngành, bạn phải code hằng ngày, cũng phải tiếp thu và học hỏi cái mới hằng ngày.
Một trong những vấn đề lớn nhất của người học lập trình chính là dễ nản. “Nản” là điều tối kỵ trong ngành IT. Tương lai của ngành lập trình thì hấp dẫn thật đấy, nhưng con đường tới thành công chưa bao giờ trải sẵn hoa hồng, nếu bạn hạ quyết tâm không đủ vững, nỗ lực không đủ nhiều, bạn sẽ dễ cảm thấy chán nản và rơi vào thất bại. . Hãy kiên định, đừng từ bỏ. Dũng cảm lên, không ngại học, học không ngừng, rồi các bạn nhất định sẽ thành công, thời gian sẽ trả lời cho điều đó!
Quyết tâm đã hạ, vậy thì một trong những kỹ năng bạn phải rèn luyện xuyên suốt quá trình học chính là xử lý tình huống. Là một lập trình viên, bạn cần sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra. Ví dụ, để code một chương trình, có thể bạn sẽ phải ngồi hàng tiếng, thậm chí vài ngày mới xong; nhưng đôi khi tới lúc gần hoàn thành bạn lại phải bỏ đi toàn bộ rồi thay thế bằng một giải pháp khác nhanh và chính xác hơn. Nghe thì có vẻ khá khó chấp nhận, nhưng đây là một tình huống thực tế mà hầu như ai đi làm IT rồi đều sẽ gặp phải. Yêu cầu của ngành này không phải là bạn phải bỏ công sức nhiều nhất, mà là bạn phải bỏ công sức để tạo ra được thứ tốt nhất, hiệu quả nhất, phù hợp nhất.
Học tiếng Anh. Có lẽ nhiều bạn sẽ không thích điều này, nhưng sự thật là bạn phải học tiếng Anh tốt. Cơ hội của ngành lập trình vốn đã khá nhiều và yêu cầu của ngành lập trình về ngoại ngữ cũng ở một nhất định. Hầu hết các lập trình viên đều tích lũy được một vốn tiếng Anh chuyên ngành đủ để làm việc trong quá trình học rồi. Nhưng nếu bạn chịu khó trau dồi cho mình vốn ngoại ngữ một cách chuyên nghiệp hơn nữa, cơ hội nghề nghiệp sẽ càng rộng mở nhiều hơn.
Điều cuối cùng và cũng là điều quan trọng, cần thiết nhất với mỗi một kỹ sư phần mềm: học cách clean code. Để đánh giá trình độ của một lập trình viên, người ta dựa vào clean code là chủ yếu. Hãy tập cho mình thói quen viết code chỉn chu từ hình thức cho đến nội dung. “Code không clean, không ai muốn đọc” – nhớ lấy!
Xem thêm: 6 phẩm chất của học viên CODELAB