Bạn có đam mê và khao khát muốn trở thành lập trình viên thành công? Rất nhiều người sẽ gật đầu đồng ý, nhưng kèm theo đó là một chút nghi ngờ gắn chắc với cái khuôn mẫu về ngành lập trình.
Những nghi ngờ này chủ yếu là từ cách các lập trình viên được xã hội ngày nay mô tả. Khác với những ngành nghề còn lại, trong các bộ phim, nghề lập trình thường được khắc họa thành những hacker siêu đẳng nhưng không có kỹ năng xã hội. Họ dành phần lớn thời gian trong các căn phòng tối, trốn tránh thế giới bên ngoài và luôn phải theo dõi chằm chằm màn hình máy tính trong hàng giờ liền.
Đó là phim mô tả, còn trên thực thế, nó khác xa so với cuộc sống thường ngày của các lập trình viên đời thực.
Rất nhiều người có mong muốn trở thành lập trình viên nhưng lại e ngại bởi những kỳ vọng mà họ tưởng rằng mình phải đạt được mới có thể viết code thành thạo được. Bài viết dưới đây sẽ liệt kê ra 10 điều bạn không nhất thiết phải đạt được nếu muốn trở thành lập trình viên.
Không nhất thiết phải có vốn kiến thức siêu việt về mọi thứ của máy tính
Dường như người ta cứ cố tình quên đi rằng lập trình viên không phải là những cỗ máy, và thứ chảy trong mao mạch họ là máu, không phải dây dẫn điện! Bạn không cần phải thay bộ não của mình bằng chiếc máy tinh toán mới có thể thành thạo trong nghề đâu.
Bản thân kiến thức vốn không phải là nhân tố duy nhất khi bàn về việc thiết lập một sự nghiệp trong ngành lập trình. Kiến thức có thể có nhiều lợi ích, song nếu quá chú trọng vào các chủ đề liên quan tới máy tính sẽ dễ khiến bạn trở nên hoang mang và đi lạc khỏi mục tiêu thực tế của việc học lập trình, từ đó làm giảm cơ hội việc làm sau này.
Suy cho cùng, điều quý giá nhất mà bạn sở hữu chính là niềm đam mê với lập trình.
Nếu bạn có trí tò mò và có đủ ý thức tự giác để phân chia nhiệt huyết từ những việc khác sang cho lập trình, bạn chắc chắn sẽ bỏ xa những người khác.
Nghề này không quá phức tạp đến mức như người người ta tưởng tượng, thực ra nó chỉ là một dạng thức giao tiếp. Điều khác biệt duy nhất là họ giao tiếp với máy tính thay vì con người. Họ sử dụng ngôn ngữ máy tính để định hướng cho máy tính nghe theo các câu lệnh cụ thể.
Không nhất thiết phải còn trẻ mới hiểu được lập trình
Walt Disney từng nói một câu rất sắc bén thế này, “Điều bạn có thể mơ đến, bạn có thể thực hiện”.
Không có gì là quá muộn cho một khởi đầu mới. Có nhiều người cảm thấy họ đã quá già để học lập trình. Học cách viết code cho một chương trình cũng giống như học bất kỳ một lĩnh vực nào khác mà thôi. Với một sự chuẩn bị đầy đủ về chiến lược, nguyên tắc làm việc và sự trung thành với nghề, bất cứ ai cũng có thể nắm được.
Nhiều người đã bắt đầu với vốn hiểu biết ít ỏi về lập trình, nhưng miễn là họ phát triển ra các công trình cần thiết, họ vẫn có thể trở thành lập trình viên thành công. Bạn đang tìm kiếm động lực ư? Rất nhiều lập trình viên đã bắt đầu sự nghiệp ở tuổi 30, 40 và thậm chí là cả 50.
Không có ngôn ngữ tối ưu nhất
Không có ngôn ngữ lập trình nào là tối ưu nhất bởi vì chẳng có ngôn ngữ lập trình nào được ưa chuộng hơn ngôn ngữ lập trình nào. Chắc chắn rằng, có một vài ngôn ngữ có độ phổ biến hơn so với số còn lại, nhưng mỗi ngôn ngữ đều có vị trí và nhiệm vụ riêng của nó. Trên thực tế, học nhiều ngôn ngữ lập trình sẽ là cách tốt nhất để trở nên thuần thục hơn và có sức hút hơn trong mắt các nhà quản lý dự án.
Thông thường, ở giai đoạn đầu bạn sẽ luôn được gợi ý bắt đầu với những ngôn ngữ nền tảng của web, như HTML hoặc CSS. Cho tới khi khám phá sâu xa hơn, bạn sẽ thấy rõ ràng hơn về ưu điểm và nhược điểm của từng ngôn ngữ, đến lúc này bạn có thể lựa chọn dựa theo sự hiểu biết của mình.
Một khi bạn đã hoàn toàn thành thạo được vài ngôn ngữ lập trình, bạn có thể bắt đầu đi phỏng vấn cho các vị trí lập trình viên full-time được rồi. Tuy nhiên, cái ngưỡng thành thạo ấy không đến với người học quá nhanh, và bạn phải luôn luôn cải thiện bản thân tốt hơn mới được. Một vài cách tốt nhất để nâng cao trình độ chính là không ngừng thực hành và tự thực hiện các dự án cá nhân.

Không nhất thiết phải cài đặt phần mềm hay hệ thống đắt tiền
Một chiếc máy tính cao cấp và một bộ công cụ nâng cao chắc chắn sẽ giúp ích bạn trong việc tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp sau này, nhưng những thứ đó không quá cần thiết khi bạn chỉ mới bắt đầu. Tất cả những gì bạn cần là một “setup” nguyên bản, những gì mà máy tính của bạn vốn đã sở hữu! Một chiếc máy tính thông thường sẽ làm được một vài thủ thuật.
Hệ thống nguyên bản trong máy tính của bạn không quá tầm thường như bạn nghĩ. Mọi chức năng cơ bản có đều có thể chạy được với một chiếc máy tính cơ bản. Hơn nữa, phiên bản miễn phí của các bộ công cụ đều có sẵn, và bạn có thể dễ dàng mở rộng tiếp trong quá trình học. chỉ nên nâng cấp những gì thực sự cần thiết, dựa trên trình độ hiện tại của bạn.
Không nhất thiết phải có bằng đại học
Một tấm bằng tốt nghiệp đại học ngành khoa học máy tính có thể trở thành tài sản quý giá của bạn trong cuộc hành trình lập trình, nhưng nó không phải một yêu cầu bắt buộc khi tìm việc. Bằng nhiều cách khác nhau, tấm bằng đại học có thể giúp bạn thăng tiến nhanh hơn và có thể mang lại cho bạn nhiều đặc quyền hơn trong việc có thêm những kiến thức chuyên sâu. Trí tò mò là tất cả những gì cần thiết để có thể bật lên trong ngành.
Có rất nhiều chương trình học lập trình được coi là một sự lựa chọn thay thế cho trường học. Học viên tốt nghiệp các khóa học đó vẫn có thể đi làm lập trình viên được, ngay cả khi họ không có quá nhiều kinh nghiệm trong ngành. Rất nhiều lập trình viên giỏi với kỹ năng siêu đẳng trong ngành cũng chưa có bằng đại học mà chỉ có chứng nhận tốt nghiệp của những khóa học đó.
Lập trình cũng như bất kỳ một ngành nghề nào khác; nếu bạn giỏi, người ta vẫn sẵn sàng trả lương cao cho tính chuyên môn cao trong ngành của bạn, bất kể bạn học được chuyên môn ấy từ đâu.
Nếu bạn đang tìm kiếm hoặc đang khao khát một cơ hội chuyển nghề, thì bắt đầu học lập trình với một vài khóa học như vậy là hoàn toàn có thể.
Xem thêm: Lập trình từ con số 0: khóa học Full Stack Web Development
Xem thêm: Từ sinh viên bị đình chỉ học tập đến Technical Leader thu nhập 24 triệu mỗi tháng
Không nhất thiết phải là người hướng nội
Một rập khuôn điển hình về nghề này là hình ảnh về một lập trình viên hướng nội và cực kỳ mọt sách. Nhưng tin tôi đi, đặc điểm tính cách sẽ chẳng cho bạn lợi lộc gì trong ngành này đâu.
Lập trình viên có vô vàn các loại cảm xúc, hình dáng, lý lịch, họ là một tập thể với nhiều loại đặc điểm tâm lý khác nhau. Định nghĩa về một lập trình viên thành công không chỉ được hình thành bởi một từ ngữ hay bởi một nhận thức về từ ngữ đó.
Một người có trở thành lập trình viên hay không được xác định dựa trên niềm đam mê tạo ra các giải pháp cho các vấn đề qua các công cụ mà họ có. Nếu thiếu tài nguyên, họ sẽ cố gắng tìm kiếm qua việc tư duy logic về các bản mẫu và các thiết kế có sẵn. Những điều này chẳng có gì liên quan đến cái mác “hướng nội” cả.
Hướng nội hay hướng ngoại cũng chẳng sao. Tất cả những gì bạn cần là sự kiên trì và cái nhìn tích cực trong nghề mà thôi.
Nhà tuyển dụng cũng không nhất thiết sẽ tự động tìm đến bạn
Lập trình máy tính là một ngành đang phát triển rất mạnh với nhu cầu tuyển dụng ở mức cao. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa nhà tuyển dụng sẽ tự động tìm đến ngưỡng cửa nhà bạn để gửi lời mời.
Cũng như bất kỳ ngành nghề nào khác, cạnh tranh và marketing cũng chiếm ưu thế khá lớn trong lập trình. Bạn cần phải là một ứng viên chủ động và luôn trong trạng thái sở hữu đầy đủ những yêu cầu tuyển dụng của công ty.
Một công việc lập trình yêu cầu ở bạn sự năng nổ trong các hoạt động, từ ứng tuyển, nghiên cứu, tiếp cận, liên hệ, và còn cần một lá thư xin việc độc đáo nữa. Để tăng khả năng được “nhìn thấy”, bạn phải tự tạo cho mình một profile sự nghiệp, tự đi apply vào nhiều vị trí khác nhau, và cho họ thấy khả năng của bạn qua các dự án đã thực hiện.
Tìm kiếm một môi trường làm việc linh hoạt có lẽ là một công việc vô cùng khó khăn. Vì vậy, bạn cần phải củng cố cho các nền tảng của mình bằng tài năng của chính bạn.
Không có khuôn mẫu sẵn nào cả
Lập trình khá là nhàm chán. Bạn cần thuộc được tất cả các cú pháp. Lập trình viên cũng có thể giải quyết được các vấn đề về phần cứng.
Đó là các khuôn mẫu có sẵn, và tất nhiên chúng đều sai.
Rất nhiều người nghĩ rằng bạn phải là một thiên tài hoặc một nhà toán học thì mới có thể trở thành lập trình viên, sự thực là không một lập trình viên nào là thiên tài trời sinh cả. Kỹ năng lập trình chỉ có thể tốt dần lên bằng cách dành thời gian và công sức để luyện tập. Nếu bạn thấy một lập trình viên có đạo đức nghề nghiệp phi thường thì đó chính là kết quả của sự nỗ lực làm việc họ đã bỏ ra.
Tuy toán học là trung tâm của việc lập trình, bạn sẽ không dùng nhiều đến nó trong cuộc sống hằng ngày. Ngôn ngữ lập trình cũng tương tự như ngôn ngữ giao tiếp của con người và nó không yêu cầu sự hiểu biết đích xác về giải tích.
Một vài người cho rằng lập trình viên là những người bị ghẻ lạnh giữa một nhóm người, là những con mọt sách không có khả năng giao lưu xã hội. Số khác lại tin rằng họ là những người mang cặp kính dày cộp và có ít nhất 5 máy chủ trong phòng cá nhân của mình.
Những lời ngụy biện kiểu này nên được phá vỡ, bởi vì ngày càng có nhiều người mới cố gắng làm cho mình phù hợp với những khuôn mẫu ấy. Chỉ có một số ít người như vậy tồn tại mà thôi, nhưng bạn cũng đừng hạ thấp tính cách của bạn chỉ để vừa với miệng thiên hạ.

Đây cũng không phải thế giới của đàn ông
Rất nhiều bộ phim đã khắc họa hình ảnh những người đàn ông là lập trình viên chuyên nghiệp với niềm tin rằng phụ nữ là quá nữ tính để chạm vào những thứ “nam tính” như là máy tính… Mặc dù thái độ công chúng ngày nay đã và đang thay đổi, song sự thật là phái mạnh vẫn đang thống trị ngành này.
Rất nhiều người tin rằng, để trở thành một lập trình viên, bạn phải giỏi các công việc về lý trí và phân tích, những kỹ năng được cho là phụ nữ không thể học được. Vậy thì chúng ta cũng không nên quên mất lập trình viên đầu tiên trên thế giới Ada Lovelace là một phụ nữ chứ nhỉ.
Grace Murray Hopper (người phát triển trình biên dịch đầu tiên cho một ngôn ngữ lập trình), Adele Goldstine (người góp phần tạo ra máy tính điện tử đầu tiên trên thế giới), và Marissa Mayer (một lập trình viên tại Google), họ là những nữ lập trình viên có sức ảnh hưởng lớn, và chính họ đã là nguồn cảm hứng cho nhiều chị em phụ nữ tự tin theo đuổi ngành này.
Đa dạng giới là một phần không thể thiếu để dịch chuyển thành kiến và gia tăng khả năng quyết định với những quan điểm khác nhau. Giới tính không ảnh hưởng tới khả năng và không ảnh hưởng đến cái cốt lõi nhất của việc trở thành lập trình viên chuyên nghiệp. Bởi vậy, nó không phải yếu tố ảnh hưởng tới khả năng có việc của bạn.

Ada Lovelace
Lập trình viên đầu tiên trên thế giới là một người phụ nữ

Grace Hopper
Phát triển trình biên dịch đầu tiên cho ngôn ngữ lập trình

Adele Goldstine
Đồng sáng tạo máy tính điện tử đầu tiên trên thế giới

Marrissa Mayer
Cựu chủ tịch Yahoo; lập trình viên nổi tiếng của Google
Không nhất thiết phải tự cô lập mình
Bạn phải hiểu rằng, lập trình là một không gian bao gồm nhiều sự phân hóa đa dạng, bao gồm những con người vui vẻ với nhau. Những người bạn cùng học chung khóa lập trình có thể là một trong những hành trang tuyệt vời nhất bạn sở hữu, vì vậy việc nắm giữ một mạng lưới quan hệ cởi mở với mọi người là cần thiết và có lợi cho chính bạn.
Ngành nghề đang ngày một rộng mở và tạo ra nhiều dự án nguồn mở mà bạn có thể kiếm lợi từ đó. Rất nhiều khu vực kinh tế lạc hậu và các vùng dân cư thiểu số vốn không có điều kiện truy cập vào các nguồn cụ thể thì nay đã dần dần phát triển hơn trong lĩnh vực nhờ tư tưởng dân chủ của các khu vực. Lập trình là không phân biệt tầng lớp, giới tính, mà chỉ có lập trình.
Lời kết
Và giờ thì bạn đã biết những quan niệm sai lầm để tránh trên con đường trở thành lập trình viên thành công. Đừng để những rập khuôn trên ngáng bước thành công của bạn, và quan trọng hơn hết, tuyệt đối đừng bao giờ mang cái suy nghĩ “Người như tôi chắc chẳng làm được đâu”. Bất kỳ ai cũng có thể. Bất kỳ ai, với cường độ luyện tập chăm chỉ và quyết tâm vững vàng, chắc chắn sẽ có thể trở thành lập trình viên.
Các công ty phát triển phần mềm bao giờ cũng muốn nâng đỡ những người có đam mê lập trình thực thụ. Vì vậy hãy vứt hết đống khuôn mẫu điển hình ấy đi, dùng ý tưởng và sự kiên trì để mở con đường trở thành lập trình viên thành công cho chính bạn.
Xem thêm: Lập trình từ con số 0: khóa học Full Stack Web Development
Nguồn: Jack David | Simple Programmer