Đâu là những kỹ năng bạn cần phát triển để tìm được một công việc trong ngành IT năm 2021? Thật ra đây là một câu hỏi khá khó. Trên thế giới ngày nay, lập trình viên cần nhiều hơn là những kỹ năng công nghệ thông tin để có thể tồn tại trong thị trường việc làm.
Là một sinh viên đại học còn mới tinh trước thế giới của lập trình, với ước mơ tương lai trở thành kỹ sư phần mềm thành công, bạn sẽ cần kết hợp đa dạng các kỹ năng để có thể làm việc tối ưu nhất và có trách nhiệm nhất. Những lập trình viên giỏi nhất thường kết hợp kỹ năng chuyên môn của họ với các kỹ năng mềm, bởi điều đó giúp cho họ luôn đứng vững top đầu trong các cuộc chơi.
Theo một nghiên cứu mới đây của Google, các chuyên gia công nghệ và lập trình viên thành công đều có ưu thế về kỹ năng mềm bên cạnh chuyên môn. Hiểu một cách đơn giản, điều này nghĩa là các công ty ngày nay đang tìm kiếm những kỹ sư phần mềm không chỉ nắm vững khả năng viết code hay nắm rõ gốc rễ chuyên môn. Vì vậy, nếu bạn đã sẵn sàng để trở thành lập trình viên vàng trong làng IT, hãy đọc bài viết sau đây để trau dồi thêm cho bản thân trong năm 2021 này.
Xem thêm: 6 phẩm chất của học viên CODELAB
1. Phát triển kỹ năng giao tiếp
Một khuôn mẫu phổ biến nhất mà người ta thường hình dung về lập trình viên là, những người luôn ngồi một mình trong góc, làm việc với máy tính cá nhân và không hé miệng nửa lời với bất kỳ ai. Trong một vài trường hợp, điều này đúng, nhưng bạn vẫn cần kỹ năng giao tiếp vượt trội để làm việc với những dự án từ đơn giản đến phức tạp.
Nhưng làm thế nào để đạt đến level giao tiếp “sâu sắc” được với một đội nhóm? Thật ra, để tương tác với con người theo cách chuyên nghiệp nhất, một lập trình viên phải có hiểu biết rõ ràng về các vấn đề, rồi từ đó trình bày các giải pháp mình đề xuất sao cho thật mạch lạc. Một cách để củng cố khả năng nhận thức chính xác về các vấn đề là cải thiện kỹ năng lắng nghe. Một khi bạn nắm được kỹ năng lắng nghe, bạn có thể dễ dàng nắm bắt vấn đề cần bàn luận, rồi từ đó phác thảo ra những thông tin sơ lược.

Tuy nhiên, kỹ năng giao tiếp tốt không chỉ dừng lại ở nghe và nói. Đó còn là khả năng quan sát và đọc hiểu, bạn cần biết rõ thời điểm nào là thích hợp để đưa ra giải pháp của mình với đồng nghiệp.
Để nâng cao kỹ năng này, bạn có thể luyện tập bằng cách trò chuyện với các học viên khác trong lớp, hãy cố diễn đạt thật rõ ràng và mạch lạc. Nghĩa là, ý tưởng của bạn phải diễn đạt sao cho người ngoài ngành cũng phải hiểu được. Không cần phải nói hàng giờ đồng hồ, cũng không cần phải cố nhồi nhét các từ ngữ chuyên ngành về lập trình trong các câu nói.
Bạn cũng có thể tập nói qua việc chủ động tham gia các hội nhóm về thuyết trình. Đừng sợ đứng trên sân khấu hay đứng trước đám đông, bây giờ và cả sau này cũng vậy.
Nếu bạn thấy khó khăn khi thực hành trong lớp, vậy thì có cả đống khóa học giao tiếp online mà bạn có thể đăng ký. Những khóa như vậy cho phép bạn học với tốc độ theo ý muốn, vì vậy bạn khỏi lo gián đoạn công việc học hành.
2. “Đánh bóng” khả năng toán học
Thừa nhận đi nào, có phải bạn đã cúp tiết Toán ít nhất 1 hoặc 2 lần trên trường phải không? Chuyện này có lẽ cũng không phải vấn đề gì lớn trong đời sống cá nhân của bạn, tuy nhiên nó sẽ hình thành nên một vài vấn đề nho nhỏ nếu bạn muốn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp làm lập trình viên.
Phần lớn mọi vấn đề trong lập trình đều yêu cầu nắm vững về Đại số và Số học, bởi lập trình thường được coi là một lĩnh vực ứng dụng của toán học. Ví dụ, trong lập trình cơ bản, hệ nhị phân đại diện cho những con số trong chiếc máy tính. Tương tự đó, Đại số tuyến tính được dùng trong phép biến đổi ma trận.
Các vấn đề về giải tích thậm chí còn xuất hiện ở khắp mọi nơi trong Machine Learning, bởi thực chất đây là một trong những điểm then chốt. Ví dụ, khái niệm giải tích được sử dụng trong các thuật toán như Stochastic Gradient Descent (SGD) hay Gradient Descent (GD).
Nếu trình toán học của bạn quá thảm, bạn nên cân nhắc đến việc mời gia sư đến để ôn tập thêm hoặc phải ghé thăm kho tutorial lớn nhất quả đất là Youtube để biết thêm chi tiết rồi. Hãy tập trung vào Đại số và Giải tích, bởi chúng là hai lĩnh vực có liên hệ gần nhất với lập trình.

3. Nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề
Cốt lõi của lập trình xoay quanh việc giải quyết các vấn đề từ đơn giản đến phức tạp bằng viết code. Đây là kỹ năng quyết định năng lực lập trình của bạn. Bạn cần có đủ khả năng để biểu đạt tư duy logic của mình, chia nhỏ một vấn đề hóc búa thành các vấn đề nhỏ có thể giải quyết.
Thông thường, người ta viết code để giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó. Là một lập trình viên, bạn sẽ phải tìm ra giải pháp khả thi để trả lời vấn đề đó. Nếu không có niềm đam mê, có thể bạn sẽ thấy cáu bẳn, bởi vì, đôi lúc bạn sẽ phải phát triển nhiều giải pháp cho một vấn đề.
Để tối ưu kỹ năng giải quyết vấn đề, bạn có thể thử luyện tập theo cách sau đây: tìm các bài toán lập trình căn bản rồi nghĩ ra tất cả các cách giải cho nó. Bạn cũng có thể thử lên hẳn một chiến lược cho mình bằng cách nghiên cứu bài toán đó thật kỹ rồi tưởng tượng ra các các bài toán khác có liên quan, từ đó brainstorm ra các cách giải tương ứng. Ngoài ra, tham khảo cách giải của các chuyên gia lập trình cũng giúp bạn có thêm một cái nhìn cụ thể hơn về các giải pháp chính xác.
Tiếp theo, chia bài toán chính ra thành các bài toán nhỏ (quá trình này được gọi là quy hoạch động) rồi tiến hành giải từng vấn đề nhỏ. Khi hoàn thành, bạn có thể nối các kết quả với nhau để tạo thành giải pháp hoàn chỉnh cho bài toán nguyên bản lúc đầu. Ví dụ, bạn đang làm bài toán “Tìm độ dài dãy con chung dài nhất (Longest Common Subsequence)”, bạn có thể vẽ sơ đồ thuật toán trước, sau đó mới bắt tay vào làm với pseudocode.
4. Cải thiện kỹ năng viết
Đọc đến đây chắc bạn ít nhiều sẽ thấy sốc, nhưng làm lập trình viên thì cũng phải biết viết tốt đấy. Một “cây viết” chuyên nghiệp là người có khả năng diễn đạt mạch lạc trong các cuộc thảo luận về triển khai kỹ thuật hay trong các bài viết phân tích chủ đề phức tạp có liên quan. Ngoài kỹ năng IT chuyên ngành, bạn cũng cần sự khéo léo trong viết lách, trước tiên là để email, tin nhắn của bạn được duyệt. Là lập trình viên, rồi bạn sẽ thấy mình phải làm việc với nhiều loại văn bản kỹ thuật. Vì vậy, bạn phải có kỹ năng diễn đạt các khái niệm phức tạp và các quy trình kỹ thuật khi dùng văn bản trình bày công việc của mình.
Rất có thể bạn sẽ gặp phải tình huống sau: trình bày bằng văn bản hoặc trao đổi về quy trình và kết quả công việc với một người không có biết nhiều về công nghệ và kỹ thuật. Ví dụ, bạn phải trả lời một câu hỏi về lập trình cho khách hàng qua email hoặc qua các phương thức giao tiếp khác. Trong những trường hợp đó, tùy thuộc người nhận mà bạn nên chuẩn bị từ ngữ sao cho phù hợp và diễn đạt sao cho linh hoạt.

5. Tò mò là tốt
Ở đây tôi không bảo bạn làm người tò mò gây phiền toái cho cả team. Tuy nhiên, những lập trình viên thành công với kỹ năng chuyên môn tốt thường có sự tò mò trước các vấn đề và giải pháp. Ví dụ, bạn nên hỏi những câu tương tự như: Đoạn code này có mục đích gì? Tại sao action A có thể giải quyết được vấn đề còn action B thì không?
Mặc dù sự tò mò giết chết con mèo, nhưng đối với lập trình viên thì ngược lại. Vì vậy, tính tò mò sẽ giúp bạn học hỏi những khái niệm mới nhanh hơn, cũng dễ trở nên nổi bật hơn.
Nếu bạn là một người tò mò, vậy thì đặc điểm tính cách ấy sẽ tiếp thêm nhiên liệu cho khao khát lập trình của bạn, đồng thời cũng khiến bạn đào sâu hơn vào gốc rễ mỗi vấn đề. Từ đó, bạn sẽ học được thêm nhiều khái niệm mới, giải pháp mới mà thậm chí bạn còn không ngờ chúng tồn tại trên đời.
Một cách tuyệt vời để phát triển trí tò mò của lập trình viên là không ngừng thử nghiệm trong các dự án và vấn đề. Việc thử nghiệm này sẽ làm dấy lên trong bạn những câu hỏi mới để bạn tìm cách trả lời, qua đó khơi dậy trí tò mò.
Tạm kết
Trên đây là 5 kỹ năng mềm quan trọng nhất với sinh viên ngành IT khi ra trường đi làm. Trong năm 2021, nếu có được những kỹ năng trên, chắc chắn CV của bạn sẽ nổi bật hơn và thu hút hơn ngay cả với những nhà tuyển dụng khó tính nhất.
Trong phần tiếp theo, CODELAB sẽ giới thiệu tới bạn 5 kỹ năng cứng quan trọng nhất với sinh viên ngành IT. Hãy cùng chờ xem nhé!
Nguồn: Amanda Dudley | Simple Programmer
1 Comment